Thế giới văn chương hoài nghi và tăm tối của J.M Coetzee

Thế giới văn chương hoài nghi và tăm tối của J.M Coetzee

J.M Coetzee sinh ngày 9/2/1940 tại Cape Town (Nam Phi), là anh cả trong gia đình hai anh em. Mẹ ông dạy tiểu học. Cha là luật sư tập sự nhưng sớm bị mất việc do mâu thuẫn chính trị.

Coetzee học tiểu học tại thành phố Cape Town và Worcester, Western Cape, và sau đó học trường đạo Thiên Chúa cũng ở thành phố Cape Town và trúng tuyển vào đại học năm 1956.

Hoài nghi và đau đớn là hai cảm thức được thể hiện mạnh mẽ nhất trong văn chương của Coetzee. Mỗi nhân vật của ông đều bị đẩy đến những trạng thái tâm thần bất ổn do dư chấn của xã hội gây nên. Đó là những tổn thương không bao giờ có thể lành lặn.

Trong Giữa miền đất ấy, Madga bị đẩy vào một cảnh huống khắc nghiệt, khi mất mẹ và phải sống chung với cha. Hàng ngày phải chứng kiến cảnh cha ân ái với người tình da màu khiến cô căm phẫn. Madga bắt đầu rơi vào những trạng thái hoảng loạn, triền miên với những ám ảnh về việc giết người, được bật lên bởi một nỗi cô đơn cực đoan. Madga không còn gì ngoài việc truy lùng tâm trí và hành hạ tâm trí.

Madga cùng với Giữa miền đất ấy là điểm bắt đầu để Coetzee tạo dựng thánh địa văn chương của mình, một thánh địa của tâm thần cô độc.

Cuốn tiểu thuyết đỉnh cao của sự hoài nghi và đau đớn của Coetzee có lẽ phải kể đến Cuộc đời và thời đại của Michael K, tác phẩm đã đem lại cho ông giải Booker năm 1983.

K là một người đàn ông kiếm sống bằng nghề làm vườn. Sau khi mẹ chết, anh tự tay thiêu xác mẹ rồi đào một cái hang giữa một khu đất bỏ hoang và sống qua ngày bằng trái cây để rồi khi chiến tranh ập đến, anh bị bắt vì bị nghi ngờ giúp đỡ những kẻ nổi loạn. K bị tra tấn, hành hạ rất dã man.

Ở cuốn tiểu thuyết này, Coetzee đã đặt nhân vật của mình vào rất nhiều bi kịch. Ngay việc K sống trong hang cũng giống như là việc bị tước đi đời sống đơn giản nhất của loài người. K sống trong cảnh cô đơn, trong giữa hoang dã, và rồi bị rơi vào sự hành hạ của con người.

Coetzee tưởng như không hề nương tay đối với nhân vật của mình, mà càng đẩy K vào trạng thái của những đau đớn, như là cuộc truy vấn cuối cùng, tước đoạt tất thảy mọi niềm tin của con người. Sau nhân vật K của Kafka, Michael K của Coetzee cũng chính là nhân vật gây nên sự ám ảnh về thế giới tăm tối, và thân phận bi thương cùng sự hoài nghi của loài người.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của những nhà văn lớn như Dostoiewsky, Kafka, Faulkner, Coetzee cũng đã xây dựng cho mình một thế giới văn chương ngoài lề, thâm nhập sâu xa vào thế giới nội tâm của con người mà bày phơi một thế giới tâm thần hoảng loạn, cô đơn và đau đớn nhất của loài người.

Coetzee không tin vào “sự an ủi” của văn chương, lại càng không phải là người theo hướng “hiện thực chủ nghĩa”, văn chương của ông là những bất ổn, tăm tối và đau đớn nhưng luôn đầy hấp lực.

Trong tác phẩm Đợi bọn mọi, Coetzee đã viết một câu chuyện hoang đường. Lấy bối cảnh là một đế quốc giả tưởng không tên. Người phụ trách cai quản một vùng đất biên giới là nhân vật thẩm phán. Đặc trách về an ninh có đại tá Joll, một kẻ lạnh lùng và vô cảm.

Miêu tả cuộc sống của những con người tồn tại trong đế quốc ấy, với những trạng thái tâm hồn giằng co và tranh đấu, với những hủy hoại và sa ngã, thanh trừng và thương tổn, Coetzee đã tạo nên một tấm gương soi chiếu vô cùng sắc nét đến đời sống hiện thực của loài người.

Tạo dựng một không khí hoang đường nhưng câu chuyện của Coetzee lại phản ánh một thế giới đầy hiện thực, đầy nội tâm của con người.

Tiểu thuyết Đợi bọn mọi

Coetzee thường viết những tiểu thuyết ngắn, đặm tính cô quánh, kìm nén, bằng những thứ ngôn ngữ chuẩn xác, không bao giờ có sự dư thừa. Tạo dựng không khí vừa thơ mộng vừa ngột ngạt, khiến cho cho ý tứ, cảm thức đặc trưng trong sáng tác của ông luôn được thể hiện một cách sắc nét.

Điển hình cho sự đau đớn nên thơ trong tiểu thuyết của Coetzee có lẽ là Ô nhục.

Tác phẩm này đặt nhân vật vào một vùng sống đầy hoang dã, thậm chí là man rợ. Vùng đất đó được tạo dựng nên vô cùng lộng lẫy với những vùng mặt trời rực đỏ, những quãng đường bụi đỏ tít tắp. Giữa hoang dã ấy, Coetzee buộc nhân vật của ông phải đối diện với những mất mát khắc nghiệt. Nhưng ở Ô nhục, chất thơ, nhạc, điện ảnh thấm đẫm qua từng trang viết.

Sự hoài nghi vẫn hiện tồn trên từng trang viết nhưng dường như với tác phẩm này, sự an ủi đã lấp ló đâu đó, ẩn giấu đâu đó sau những tổn thương sâu cùng mà các nhân vật phải chịu đựng.

Tiểu thuyết Ô nhục đoạt giải Booker năm 1999

Một điều đặc biệt trong văn chương của Coetzee chính là khả năng đi sâu vào khai mở những ngóc ngách tâm thần của con người. Không đơn giản là bày phô những tâm tư tình cảm, mà Coetzee còn nhuần nhuyễn diễn giải những kín đáo nhất, hoang mang, tự vấn tâm tối nhất của con người.

Madga, Michael K, David,... hay rất nhiều những nhân vật khác của mà Coetzee tạo nên đã tiếp nối những phi lý nghi hoặc suốt đời của con người, nỗi cô đơn, đau đớn mà cũng lộng lẫy của con người, cùng với Kafka, Albert Camus...

(Theo Zing)

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
Icon-Messager Messenger Icon-Tiktok Tiktok Lên đầu trang