'Nói đi, ký ức' và những điều ít ai biết về Nabokov
- Người viết: CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH BÁCH VIỆT lúc
- Tin tức
- - 0 Bình luận
Vladimir Nabokov – một trong những nhà văn lớn của thế giới, dường như đã phô bày hết cõi lòng trong một lượng đồ sộ các tác phẩm nổi tiếng. Thế nhưng liệu đó có là tất cả? Trong cuốn hồi ký hiếm hoi 'Nói đi, ký ức', ta sẽ được biết thêm một Nabokov dưới nhiều nhân dạng – một nhà thơ, một con người, một ly nhân và cũng là một hậu duệ của nhà Nabokov.
Mong manh nhưng vô tận
Ký ức dường như đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều tác giả, từ Patrick Modiano cho đến W.G.Sebald. Trong những tác phẩm hiếm hoi đó, từ câu chuyện cá nhân, họ lần tìm về một mẫu số chung là sự mong manh, hay thay đổi và không đồng nhất của các ký ức riêng tư. Với riêng Nabokov, ông tiếp cận ký ức ngay từ ban đầu bằng những trải nghiệm phổ quát, để biết rằng thời gian có thể lặp lại, nó co – duỗi, nén – xả… trong suốt cuộc đời của mỗi một người.
Nabokov năm 1929 trong quá trình viết cuốn phòng thủ Luzhin, với cây bút đặc biệt và những tiêu bản bướm trên bàn làm việc. Ảnh chụp bởi vợ ông |
Trong Nói đi, ký ức, Nabokov không xếp ký ức của mình theo đường thẳng thời gian. Như ông nói, “ý thức bừng tỉnh như một chuỗi những ánh chớp rời rạc, những khoảng trống xen lẫn giữa chúng dần biến mất cho đến khi từng khối nhận thức sáng bừng được hình thành, nắm giữ ký ức một cách lỏng lẻo”. Do đó mọi thứ đến và đi bất chợt, được nảy ra trong bộ não bằng những “cú chích ký ức”, khiến chúng lộn xạo, xảo trá và chỉ có thể “thu gom” bằng những đề mục chung chung cũng vô nghĩa lý.
Vì vậy ta có thể thấy Nabokov quẩn quanh giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông tin vào “thuyết lặp lại của thời gian” để tìm ra những điểm chung giữa bố, mẹ và bản thân mình. Ông vin vào sự co dãn để “nhóm” lịch sử vào cùng mặt phẳng (như một tấm tranh) và cùng không gian (như một căn phòng), từ đó khảo sát, rút ra khái niệm và tự mình kiểm chứng những ranh giới đó.
Với cha mình, ông đã tìm thấy một sự tương quan với niềm đam mê nghệ thuật, nhưng thực ra là khác hẳn chia thành hai hướng. Nếu người cha ấy ca ngợi Stendhal, Balzac, Zola; thì vị con trai chỉ xem những cái tên ấy thuộc về hạng xoàng. Nếu người lớn ấy viết ngay thẳng, thẩm mỹ và quan tâm đến nhạc kịch, thì cậu con trai là “đống bầy hầy” trong các bản thảo và niềm đam mê broadway đã bỏ rơi ông, để đến thẳng với con trai hay là cháu chắt của người lớn hơn.
Người ta thường gắn Nabokov với tính nhạy cảm và một tình yêu bao la dành cho tiểu tiết. Ở Nói đi, ký ức ta cũng sẽ thấy lại những điều đó. Dường như khác xa với cha (theo kiểu phức cảm Oedipus), ông lại có sự gắn kết với mẹ hơn cả. Hình bóng của bà tràn khắp trong tác phẩm này, từ chiến dịch thảm họa của Nga ở vùng Viễn Đông 1905 dẫn đến đảo chính chính trị và sự vắng mặt của chồng, cho đến quãng đời ly hương ở châu Âu.
Nabokov trải lòng trong những “sợi chỉ ký ức” gắn kết hai mẹ con ông. Đó là khả năng “liên kết giác quan” cũng như “bản tính nhạy cảm” trong việc “nghe” thấy màu sắc của từng chữ cái, cũng như hình tượng tiền giấc mơ như kiểu deja vu(*) mà cơn mê sảng về vũ trụ phình to phải khó khăn lắm mới đưa những tưởng tượng này về lại hệ hình Newton. Trong trò hái nấm và những kỷ niệm qua đi của gia đình mình, trò chơi ký ức như những giả thể của hiện thực và tương lai tàn khốc.
Trong những trải lòng của thể loại hồi ký, một Nabokov sinh trưởng trong một gia tộc thượng lưu giàu có ưa thích sự thoải mái của nền văn minh Anglo Saxon cũng kịp trở lại, qua những “dòng” gia sư và bảo mẫu đến rồi đi từ nhiều đất nước, nhiều vùng văn hóa. Nabokov gợi lại ấn tượng cá nhân theo kiểu Modiano một cách sâu sắc. Ông lựa chọn một mối quan hệ phổ quát, nhưng phóng chiếu nó bằng một tình yêu cho từng chi tiết, để cá nhân hóa nó, để biến nó thành sản phẩm không thể thay mới cho một thời đại quá nhiều giông bão.
Ma trận ký ức hiện ra trong ông là một cơn lũ của những di chỉ, di sản và những mô hình phả hệ của nhà Nabokov. Như Camille de Toledo trong Một dòng họ Do Thái với cuốn sách cũ của dòng họ mình, Nabokov từ những gia huy và các mối quan hệ ruột thịt đã cho thấy được huyết thống có một sức mạnh đến như thế nào. Hết thảy Anton Chekhov, Dostoyevski, Pushkin…đều có quan hệ với dòng tộc của gia đình ông.
Những con người chính trị, những văn nghệ sĩ… được ông liệt kệ trong một khoảng dài lạnh lùng, vô cảm xúc; như Patrick Modiano trong Lai lịch cố gắng chạy trốn ký ức bằng sự cách biệt nhưng không thành công. Vì vậy với Nabokov, ký ức không thể chạy trốn, đó là hồn ma vây bám lấy ông và không buông tay. Từ đó hình thành một sự phản tư, đối chiếu cũng như so sánh không ngừng giữa những khoảnh khắc kéo dài cho đến vô cùng. Nó là vũ trụ rộng lớn hơn bất cứ điều gì, nhưng chỉ dồn nén trong não bộ người. Do đó, như ông ví von, ký ức là cả vũ trụ bỏ vừa chiếc túi của một con kangaroo mang tên con người.
Những ấn tượng văn chương đầu đời
Nói đi, ký ức cũng là những ấn tượng lớn cho ta nhìn lại cuộc đời văn nghiệp của Nabokov. Từ niềm đam mê dành cho thơ ca mà nghệ thuật đòi hỏi khả năng quan sát đa mục tiêu, cho đến nhìn nhận mọi thứ trong thời gian. Trong đó độc giả có thể cảm thấy lý thú khi nghe lại trải lòng của ông về những vần thơ đầu tiên, về sự đón nhận của mẹ cũng như khát khao mong được ghi nhận ở giai đoạn đầu.
Thiên nhiên và bướm chính là đối tượng mà từ đó ông nhận thức được vũ trụ trong chiếc túi nhỏ nổi trôi quanh mình. Như ông thừa nhận “Tôi đã khám phá trong thiên nhiên những niềm vui sướng phi vụ lợi mà tôi kiếm tìm trong nghệ thuật. Cả hai đều là một dạng của phép màu, đều là một trò chơi quyến rũ và lừa lọc tinh tế”. Và cũng có thể chính những họa tiết không thường được quan tâm theo kiểu phân loại côn trùng là thứ tạo nên trong ông tình yêu với các tiểu tiết.
Bìa cuốn hồi ký Nói đi, ký ức.
Là một nhà văn, Nabokov cũng chia những mảng ký ức mà ông ưu ái gọi là “ban tặng” cho các nhân vật trong tiểu thuyết mình. Không chỉ có khả năng liên kết đa giác quan, mà với ông, những ấn tượng này cũng tạm bợ và dễ trở nên biến mất một khi đã được chuyển sang một chủ thể khác. Như ông nói “các tòa nhà đã sụp đổ trong ký ức tôi một cách âm thầm lặng lẽ y như trong các bộ phim câm thuở trước”. Việc cho và nhận không ngừng diễn ra, bởi lẽ thời gian là một xoáy trôn luôn không ngừng lại mà cứ xoay mãi, xoay mãi giữa những thiên biến vạn hóa của cuộc đời này.
Vì sao trong Nói đi, ký ức ấn tượng ấu thời và thủa thanh xuân lại hiện diện rõ và chiếm phần đông theo kiểu cách ấy? Như ông lý giải, ký ức là “từng đường lượn tròn này nối tiếp đường tròn khác, và mọi tổng hợp đều là luận điểm của vòng lặp tiếp theo. Nếu chúng ta cân nhắc một đường xoáy ốc đơn giản nhất, ta có thể định rõ ba giai đoạn trong đó, liên đới nó với chuỗi bộ ba kia: chúng ta có thể gọi “luận điểm” là vòng tròn nhỏ hay vòng cung khởi phát đường xoáy từ trung tâm; “phản luận điểm” là vòng cung lớn hơn đối diện với vòng đầu tiên trong quá trình tiếp nối nó; và “tổng hợp” lại là một vòng cung lớn hơn nữa tiếp nối vòng thứ hai trong lúc tuân theo vòng đầu tiên đi rộng ra ngoài. Và cứ thế tiếp diễn.”
Từ vòng tròn nhỏ là “luận điểm” với những ký ức ấu thời, một chàng thanh niên với những cuộc tình chóng vánh mà phía hậu cảnh là tiếng xào xạc, xô đẩy của những cây đoan trong mưa, là lòng trắc ẩn nơi miền quê hoang dã… dần dần trở thành một “phản luận điểm”. Cuối cùng, một tha nhân, một nhà văn ly hương với “tổ quốc đã mất” là thứ “tổng hợp” trong đường xoắn ấy.
Với đặc trưng hồi ký, Nabokov nói về một Sirin khác – một thể dạng khác của ông trong việc khước từ “dòng chảy” của những nhà văn bán đi linh hồn, quy kết nó vào hội nhóm nào đó, và dù là trong hay ở ngoài nước, thì việc mất đi quê hương đã làm tòa thành của một cá nhân hoàn toàn sụp đổ.
Với Nói đi, ký ức, Nabokov đã khảo sát một cách ấn tượng dòng chảy thời gian và những gì xảy đến với bản thân mình. Trong khát khao được tỏ bày và tưởng nhớ, ông đã du hành ngược thời gian trong tâm tưởng, với những suy nghĩ cứ rời rạc dần theo từng bước đi để rồi nhận ra “ngục tù thời gian là một khối cầu không lối thoát”.
Một cuốn hồi ký để hiểu thêm nữa về nhà văn lớn, và cũng là những đặc trưng của ký ức sâu xa.
Minh Anh
______________
(*) Hiện tượng tâm lý deja vu được mô tả là hiện tượng mà một người cảm thấy rằng mình đã sống qua hoàn cảnh đó trong quá khứ với đúng nghĩa đên là “đã thấy”.
Link bài gốc: https://nguoidothi.net.vn/noi-di-ky-uc-va-nhung-dieu-it-ai-biet-ve-nabokov-38686.html?fbclid=IwAR1I_xEX8RDaoEAeyXcNdNpXgeBNsU_qWsyhkAUOuPECd3YeigMcLHYxUbc
Viết bình luận