Mọi cái tên: Đời sống là một vũng lầy

Mọi cái tên: Đời sống là một vũng lầy

Chuyện kể về Senhor Jose, anh là một thư ký quèn của phòng Đăng Ký Trung Ương – nơi công chứng và lưu trữ thông tin của mọi con người. Jose thích sưu tập thông tin của người nổi tiếng, căn nhà nơi anh ở có cánh cửa thông với kho lưu trữ của cơ quan nên anh có thể cập nhật một số thông tin trọng yếu về họ. Trong một lần tình cờ, anh rút nhầm hồ sơ của một người phụ nữ bình thường, rồi chợt nẩy ra ý định muốn biết cô ấy là ai, từ vài thông tin ít ỏi có được mà anh lần theo dấu vết để cuối cùng có được cô ấy trong một “hình hài” mơ hồ nào đó, mà ít ra cái “hình hài” ấy sinh động hơn mọi cái tên khác rất nhiều.

Trong suốt tác phẩm, chỉ có một cái tên được nêu ra, đó là Senhor Jose, còn những con người khác thì bị gọi bằng chức danh hoặc không được nêu tên. Đó là sự ám chỉ rằng bản chất cá nhân của đa số con người giống như hoàn toàn tiêu biến đi trong xã hội rộng lớn. Mỗi con người không còn được xem như một thực thể sống, họ chỉ đơn giản được thể hiện qua một cái tên, hoặc một mã số trong hồ sơ, ngày họ sinh hoặc ngày họ chết; điều này giống với đoạn nói về cách con người đánh giá một căn nhà trong Hoàng Tử Bé, là căn nhà đáng giá bao nhiêu chứ không phải nó đẹp thế nào.

Có triết gia từng nói “tôi tư duy nên tôi tồn tại”, tác phẩm là một chuỗi vô tận những suy nghĩ, suy diễn, ảo tưởng, sự sợ hãi của Jose trên con đường tìm kiếm người phụ nữ. Lẽ ra việc tìm kiếm là rất đơn giản, nhưng cái cách mà xã hội đang vận hành hoặc cách mà con người ta đối xữ với nhau khiến chuyện anh đang làm giống như là điều gì đó xấu xa và đồi bại. Ta thấy mọi con người không phải như đang sống, mà đang trôi, hoặc họ cứ đứng bất động giữa đầm lầy rồi cứ để bản thân chìm dần xuống. Mỗi khi gặp gỡ một người để tìm thông tin thì Jose như lâm vào một cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, anh phải đấu tranh tư tưởng, phải lên kế hoạch tỉ mỉ, nếu không thì có khả năng đời sống của anh bị hủy hoại trong chốc lát. Chúng ta có bao giờ tự hỏi là tại sao sự giao tiếp giữa người và người lại trở nên phức tạp như vậy.

Tác phẩm dường như giúp ta định nghĩa lại sự sống và cái chết của mỗi con người, bản chất của sống – chết của ai đó đối với người mà họ quen được đơn giản hóa bằng những thông tin đơn giản, một người còn sống khi ta biết tin rằng họ còn sống, còn họ sống thế nào, vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau … thì ta chẳng quan tâm. Nếu vậy thì việc họ sống hay họ chết đều có giá trị như nhau cả thôi. Chính vì thế vị trưởng phòng quyết định không cần phân ra khu hồ sơ người chết và người sống, bởi có người sống mà như đã chết, hoặc người ta có thể tìm người chết qua những ai còn sống, hoặc sự sống của những kẻ chết đang tiếp diễn trong người còn sống. Hình ảnh cái nghĩa trang cũng mang ý tương tự, nó không còn hàng rào bao quanh, nó phơi ra, tràn ra với những người đang sống.

----

Trích bài đăng "Mọi cái tên - Đời sống là một đầm lầy" tác giả Minh Chí.

@Nguồn ảnh: Chí Blog

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
Icon-Messager Messenger Icon-Tiktok Tiktok Lên đầu trang