Khuôn mặt người khác: Lời nhắc nhở về vị trí thực sự của con người
- Người viết: VIỆT CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH BÁCH lúc
- Tin tức
- - 0 Bình luận
Cùng với Người đàn bà trên cồn cát, Khuôn mặt người khác (Bách Việt và Nxb Dân trí liên kết ấn hành, Phạm Mạnh Hùng dịch) là tác phẩm làm nên tên tuổi của Kōbō Abe trên văn đàn thế giới.
Trong tác phẩm đầy độc đáo và khác biệt này, những mâu thuẫn giữa thể chất và tinh thần, giữa tiếng nói bên trong và thế giới vật chất bên ngoài đã được Kōbō Abe đẩy lên tận cùng, để hoạ nên một xã hội đô thị đầy giả hiệu có phần nông cạn.
Kể về người kĩ sư lưu chất Okuyama trong một tai nạn bị huỷ dung nhan phải tạo ra một “mặt nạ” bên ngoài để đại diện cho mình, Kōbō Abe đã nêu lên một câu hỏi, liệu đâu là thực, khuôn mặt nguyên bản hay chiếc mặt nạ nhằm nối lại những ngã đường đến với xã hội loài người? Cũng như Người đàn bà trong cồn cát, bối cảnh của Khuôn mặt người khác được nhà văn cô đọng trong tận cùng là những đối đầu của các câu hỏi không thể trả lời một cách dễ dàng.
NHỮNG MÂU THUẪN NỘI TÂM
Tương tự Moscarda trong cuốn Đi tìm nhân dạng của Luigi Pirandello bỗng chốc phát hiện bản thân một ngày nào đó không phải là mình qua một tấm gương với cái mũi lệch, nhân vật của Kōbō Abe cũng đã trải qua những sự thay đổi dung nhan, để thấm thía hơn vị trí của mình, với vẻ nham nhở và đầy sẹo lồi như những con đỉa đói sau một tai nạn giao thông.
Sự chuyển biến tâm lí được Kōbō Abe phác hoạ vô cùng rõ ràng, khi đi từ ước muốn cả thế giới sụp đổ không còn ánh sáng; đến thói đa cảm tâm lí và nỗi dày vò vì sự xấu xí, cũng như triết lí về bộ mặt sụp đổ. Những giả hiệu tâm lí ngay lúc ban đầu sớm bị gỡ xuống, với các ý muốn siêu hình toan đổi vẻ bề ngoài khác, để một lần nữa tái sinh và được trở lại làm người.
Con đường phản kháng, dần đến chấp nhận và rồi cuối cùng bị động gắn bó như ở Người đàn bà trong cồn cát cũng được Kōbō Abe tái hiện lại ở tác phẩm này, thông qua những đấu tranh nội tâm của nhân vật chính. Anh ta đi từ những mâu thuẫn ban đầu, về mĩ dung quan trọng hay tâm hồn quan trọng; đến tự ruồng rẫy và chôn sống mình trong những khoảnh khắc chưa thể quyết định.
Từng bước từng bước, Okuyama đi đến quyết định thực hiện một chiếc mặt nạ, bởi nhẽ nó là con đường đi đến tâm hồn, gắn kết lại các mối quan hệ xã hội, dẫu cho trao cho khuôn mặt đi đến tâm hồn là khinh miệt tâm hồn. Tâm hồn quan trọng hay khuôn mặt quan trọng, câu hỏi ấy cứ vần xoáy trong chính nội tâm nhân vật, để rồi không thể có câu trả lời xác đáng, chỉ biết tính “con” và “mặt vật chất” cuối cùng cũng đánh bại anh, để khoác lên mình một nhân dáng khác, một bộ mặt khác.
TỘI ÁC
Bởi nhẽ chỉ cần nhìn bề ngoài thì ai cũng như ai, cảnh sát cũng là tội phạm, người xấu cũng như thiện lương; nên sự giả hiệu ấy dễ dàng mê hoặc con người và dẫn dụ họ, như lời nanh nọc của con rắn ở vườn địa đàng, để nó thay lời làm muôn việc xấu. Việc có hai hay nhiều nhân dạng tồn tại ở một con người chẳng phải là một ước muốn vô cùng thú vị sao, khi trách nhiệm giờ đây mất tăm, còn con người có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn mà không sợ phải chịu trừng phạt.
Cũng như Luigi Pirandello, Kōbō Abe phơi bày được sự phơi nhiễm cũng như lan nhanh về những ý tưởng đánh mất nhân tính, trong một đô thị có phần liên tục sụp đổ và chịu ảnh hưởng bởi nhau. Đó là một thiết chế mà mỗi người có nhiều nhân dạng, họ có thể làm bất kì thứ gì mình muốn, không chịu trách nhiệm và dẫn đến một đời sống loạn lạc vô phương kiềm toả.
Tác phẩm Khuôn mặt người khác do Bách Việt và Nxb Dân trí liên kết ấn hành, qua bản dịch của cố dịch giả Phạm Mạnh Hùng.
Đó chính là những chi tiết mà nhân vật chính đổ tội cho chiếc mặt nạ, về thói ghen tuông, việc mua súng, cũng như các ước muốn trả thù vợ mình. Chưa khi nào hắn tự cho rằng chính bởi cô độc cũng như tách biệt thúc đẩy sự ấy. Với chiếc mặt nạ, hắn có đối tượng để quy cho sự tuyệt diệt, để đẩy tội ác cho nhân diện khác; trong khi bản thân như đang mê đi trong những cơn sốt quyền lực.
Thế nhưng việc có mặt nạ không thể che giấu sự mất kết nối của chính con người với đô thị ấy. Tưởng như đánh mất gương mặt cũng giống những người chối bỏ nhân diện của mình, thế nhưng nhân vật của Kōbō Abe sớm nhận ra bản thân chính mình chỉ có một mình, và dù từ chối nhân diện như những người zainichi chối bỏ đường nét Triều Tiên để hòa vào nước Nhật, nhưng họ vẫn là một cộng đồng riêng, không cô độc và rồi bị đẩy đến cõi tăm tối.
Chính ở điểm này Kōbō Abe cũng khơi gợi nên những mầm mống tội ác, rằng có hay không những sự dẫn dụ tăng dần lên của sự liên kết hình thành nên một cộng đồng. Bởi nhẽ bản thân quái vật chỉ là sự phát minh ra nạn nhân của mình, nên nhân vật ấy cũng dễ sa ngã và tìm kiếm thêm những con người khác, những đối tượng khác, và đó là khi một xã hội giả tưởng với ngàn khuôn mặt có đầy cơ sở để thành hình, lớn mạnh và có sức tổn tại.
TRỪNG PHẠT
Đổi vô nhân diện để lấy một nhân diện khác cũng vô nhân như lúc ban đầu, liệu ta có phải là ta, khi đeo mặt nạ cũng như chẳng đeo gì cả? Tự nhiên sinh ra con người như những cá thể riêng biệt, thế nhưng mặt nạ không chỉ che giấu khuôn mặt, mà đó còn là diện mạo, dễ dàng vứt bỏ các mối quan hệ cũng như thoát khỏi ràng buộc về mặt tinh thần. Đến cuối tiểu thuyết nhân vật mới chợt nhận ra, những thứ hiển hình như là mặt nạ vốn không quan trọng, mà đó là chính bản thân ta muốn làm gì.
Okuyama có thể đổ tội cho sự biến chất bởi khuôn mặt khác, nhưng chính người vợ đã phơi bày tội ác trong sự trốn tránh, trong ham muốn bình thường hoá con người, nhưng thật ra là trốn tránh cũng như đang san phẳng hoá các mối quan hệ và nông cạn hoá cuộc sống xung quanh. Đeo mặt nạ giờ đây là nối lại con đường, hay căm thù thêm những sự thấu hiểu? Mặt nạ rốt cuộc rồi thì cũng là những gương mặt không hoàn hảo, nó chuyển hoá người ta thành những kẻ khác, với phóng hoả, giết người, với bản năng phá hoại.
Sức mạnh của chiếc mặt nạ cũng như chủ thể đang sở hữu nó, mà những khao khát dục tính rất riêng được mô tả như là bắt nguồn từ khách thể ấy, vốn dĩ cũng bắt nguồn từ chính con người đang đeo nó. Dục tính là thứ sau cùng, là thứ còn lại khi thế giới đã quá mỏi mệt, khi hành tinh con người đang dần chìm vào bóng tối; thì ít nhất còn phát ra thứ ánh sáng, và mặt nạ cũng cảm nhận được cơn thèm muốn ấy, nỗi khao khát ấy. Nó giờ đây không còn là những mong muốn của riêng bản thân, mà đó còn là nhu cầu của người hiện đại được trừu tượng hoá. Nó nguy hiểm, linh động và luôn có thể thay hình đổi dáng, chỉ cần nội tâm chệch đi một hướng, người thuyền trưởng cầm lái sẽ không còn đó, và dễ buông xuôi.
Cũng như Người đàn bà trên cồn cát, với Khuôn mặt người khác, Kōbō Abe đã nêu lên một câu hỏi muôn đời về những mối quan hệ vật chất, tinh thần cũng như nêu ra trách nhiệm của một công dân dù bình thường nhất. Bằng tính siêu hình cũng như những suy tư vô cùng độc đáo, cuốn tiểu thuyết này là bản cáo trạng, là lời nhắc nhở vị trí thật sự của con người trên đường kết nối với xã hội chung. Ta là ai không quan trọng bằng việc ta muốn là ai. Và cũng như mặt nạ kịch Noh, vừa mang vẻ đẹp nhưng cũng đại diện cho sự diệt vong, con người là ai theo chính họ muốn, và sự ham thú quyền lực chưa khi đó luôn không suy giảm.
NGÔ THUẬN PHÁT/ VNQĐ online
Viết bình luận