Hai con người vĩ đại - Hai sự nghiệp dở dang
- Người viết: CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH BÁCH VIỆT lúc
- Tin tức
- - 0 Bình luận
Hai cuốn tiểu sử về Alexander và Caesar của tác giả Philip Freeman sẽ bổ khuyết khoảng trống trong tủ sách lịch sử cổ đại cho nhiều độc giả Việt Nam.
Những nhân vật nổi tiếng một khi tạo lập được danh tiếng và chỗ đứng vững chắc tới mức độ nào đó thì tên tuổi của họ trở nên gắn liền với thời đại lịch sử trong nhận thức của hậu thế. Chẳng hạn, khi nhắc tới lịch sử cổ đại phương Tây, hầu hết đều nghĩ ngay tới hai nền văn minh Hy Lạp và Roma - đi kèm là hai cái tên có lẽ sẽ bị lãng quên sau cùng nếu một ngày nào đó những nền văn minh xa xưa này chìm hẳn vào bóng tối.
Đó chính là Alexander và Julius Caesar.
Gần hai nghìn năm trước, khi viết ra bộ sách đồ sộ Những cuộc đời, Plutarch đã sắp xếp một cách rất có chủ đích Alexander và Julius Caesar thành một cặp nhân vật trong số hơn 20 cặp nhân vật danh tiếng được liệt kê trong tác phẩm của mình. Quả thực, Plutarch đã đưa ra lựa chọn không thể hoàn hảo hơn bởi trong hàng ngũ anh tài Roma khó ai hơn Caesar để đứng bên Alexander và trong những anh tài Hy Lạp không ai xứng hơn Alexander để so sánh cùng Caesar.
Tên tuổi của Alexander và Caesar nổi tiếng đến mức gần như tất cả người Việt Nam từng đi học đều nghe nói qua về họ, còn những ai yêu thích lịch sử thì hào hứng tìm hiểu về sự nghiệp và con người họ. Ngay từ thời cổ đại, ngoài Plutarch, nhiều tác giả khác như Arrian, Suetonius và… chính Caesar đã để lại không ít tác phẩm viết về Alexander cũng như bản thân mình.
Tuy nhiên, phần lớn tác phẩm không bao quát hết toàn bộ khía cạnh trong sự nghiệp đồ sộ, sinh động đầy biến cố của hai con người khác thường này, chưa kể văn phong và cách trình bày của văn bản cổ rất khó theo dõi với bạn đọc đại chúng. Chính vì thế, những tác phẩm nghiên cứu của các tác giả đương đại, trình bày theo văn phong, ngôn ngữ hiện đại, chắt lọc đối sánh các nguồn sử liệu cổ đại để loại trừ bất đồng sẽ là lựa chọn hợp lý nhất giúp độc giả tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Alexander và Caesar.
Một thực tế rất thiệt thòi cho bạn đọc Việt Nam, nhất là những ai ưa thích tìm hiểu về quá khứ, là cho tới nay vẫn chưa có tác phẩm chuyên đề nào tường thuật trọn vẹn sự nghiệp của Alexander và Caesar do tác giả đương đại viết được xuất bản tại nước ta. Ít nhất là trước khi hai cuốn tiểu sử về Alexander và Caesar của Philip Freeman được chuyển ngữ sang tiếng Việt và xuất bản.
Việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, các biến cố được trình bày theo trình tự thời gian có đối chiếu với niên lịch hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc theo dõi sự nghiệp có một không hai của vị vua nổi tiếng nhất xứ Macedonia và nhân vật có tên trở thành danh xưng chung cho những người đứng đầu đế chế Roma. Không ít người biết rằng các hoàng đế Roma có danh xưng là Caesar và từ “Hoàng đế” trong nhiều ngôn ngữ như Nga (Tsar) hay Đức (Kaiser) đều bắt nguồn từ cái tên này.
Trong hai cuốn tiểu sử, Freeman đã khéo léo lựa chọn để cuộc đời nhân vật được thuật lại trọn vẹn từ thời thơ ấu cho tới những bước đầu tiên tạo dựng sự nghiệp, con đường tới đỉnh cao và thành tựu, di sản quan trọng của mỗi người.
Các độc giả thích làm cuộc so sánh giữa hai người khổng lồ của thế giới cổ đại sống cách nhau hai thế kỷ sẽ có cơ hội tuyệt vời nhập vai Plutarch làm việc ấy với hai tập sách của Peter Freeman. Mỗi người đều có những đặc điểm, thành tựu riêng nhưng chí ít giữa họ cũng có điểm chung: cả hai đều từ giã cuộc đời đột ngột khi đang ở đỉnh cao quyền lực, không biết đến vị đắng của kẻ trắng tay như Napoleon hay Hannibal.
Bởi vậy, khi gập sách lại, người đọc đều cảm nhận sự dở dang trong cuộc đời của Alexander cũng như Caesar. Cả hai đều nuôi tham vọng quá lớn so với sức lực, tài năng và độ dài của một phận người. Cả hai đều bước chân vào cuộc hành trình theo đuổi quyền lực và sự vĩ đại, thành tựu và danh tiếng như một chuyến đi định mệnh chỉ có một chiều.
Ngay từ khi vượt sông Rubicon thách thức quyền lực của nền Cộng hòa Roma, Caesar đã biết mình không có đường lui với nguy hiểm luôn rình rập mỗi bước đi. Ngay khi xuất phát từ quê nhà Macedonia với tập Illiad của Homer luôn để trong tráp kê dưới gối (không rõ đây có phải là nguồn gốc của cách nói “sách gối đầu giường” hay không), Alexander đã linh cảm được cuộc viễn chinh một đi không trở lại, giống như khi Achilles dấn thân vào cuộc chiến thành Troy tìm lấy vinh quang bất tử.
Và họ vẫn thách thức định mệnh đi tới cùng, để lại danh tiếng dài lâu cho hậu thế.
Lê Đình Chi
Viết bình luận