Chiến tranh tiền tệ: Tấm bùa ổn định giá

Chiến tranh tiền tệ: Tấm bùa ổn định giá

Bản vị vàng là một hệ thống đảm bảo sự ổn định tiền tệ do pháp luật quy định từng được áp dụng tại nhiều nước.
 

Ngày 1/7/1974, tạp chí The Economist đăng tải một bản báo cáo thống kê vật giá trong suốt thời kỳ cách mạng công nghiệp Anh khiến người ta phải kinh ngạc. Trong khoảng thời gian 250 năm từ năm 1664 đến năm 1914, dưới sự vận hành của bản vị vàng, vật giá tại Anh duy trì được xu thế bình ổn và giảm nhẹ. Ngày nay, không thể nào tìm ra một quốc gia thứ hai có thể duy trì chỉ số vật giá bình ổn lâu dài và liên tục như vậy.

Sức mua của đồng bảng Anh đảm bảo tính ổn định đáng kinh ngạc. Nếu chỉ số vật giá năm 1664 là 100, thì trừ thời kỳ chiến tranh Napoleon (năm 1813) có mức vật giá tăng tạm thời đến 180, trong khoảng thời gian còn lại, chỉ số vật giá đều thấp hơn tiêu chuẩn năm 1664. Khi chiến tranh Thế giới thứ Nhất bùng nổ năm 1914, chỉ số vật giá của Anh là 91. Hay nói cách khác, dưới thể chế của bản vị vàng, sức mua của một đồng bảng Anh tại thời điểm năm 1914 còn mạnh hơn 1 đồng bảng Anh của 250 năm trước (năm 1664).

Dưới chế độ bản vị vàng và bạc, tình hình giá cả cũng tương tự vậy. Năm 1787, Điều 8 Chương 1 Hiến pháp Mỹ trao quyền cho Quốc hội phát hành và định giá tiền tệ. Điều 10 quy định rõ ràng, tất cả các bang không được dùng bất cứ một loại tiền tệ nào ngoài quy định trừ vàng và bạc để chi trả nợ nần, từ đó xác định rõ tiền tệ của Mỹ phải lấy vàng và bạc làm cơ sở. Pháp lệnh đúc tiền năm 1792 xác lập đồng 1 đôla Mỹ là đơn vị cơ bản của tiền tệ Mỹ, định giá chính xác của 1 đồng đôla Mỹ là gồm 24,1 g bạc thuần, định giá của 10 đôla Mỹ là gồm 16 g vàng thuần. Bạc trắng được dùng làm cơ sở của hệ thống tiền đôla Mỹ. Tỉ giá giữa vàng bạc là 15:1. Bất kể người nào pha loãng độ thuần của đồng đôla Mỹ, khiến cho đồng đôla Mỹ mất giá trị đều sẽ phải đối mặt với án tử hình.

Năm 1800, chỉ số vật giá của Mỹ ở vàng khoảng 102,2. Đến năm 1913, chỉ số này hạ xuống còn 80,7. Trong suốt thời kỳ xảy ra những biến đổi lớn trong công nghiệp hóa của Mỹ, biên độ dao động vật giá không vượt quá 26%, còn trong thời đại bản vị vàng từ năm 1879 đến năm 1913, biên độ dao động vật giá ở mức 17%. Trong suốt 113 năm với những biến đổi lớn trong lịch sử công nghiệp hóa đất nước và phát triển sản xuất của Mỹ, tỉ lệ lạm phát tiền tệ bình quân hầu như là bằng 0, dao động giá cả hàng năm không quá 1,3%.

Tương tự, với bản vị vàng, hệ thống tiền tệ của các quốc gia lớn ở châu Âu trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp cũng duy trì được tính ổn định cao độ như vậy.

Đồng franc Pháp, từ năm 1814 đến năm 1914 ổn định 100 năm.

Đồng florin Hà Lan, từ năm 1816 đến năm 1914, ổn định 98 năm.

Đồng franc Thụy Sĩ, từ năm 1850 đến năm 1936, ổn định 86 năm.

Đồng franc Bỉ, từ năm 1832 đến năm 1914, ổn định 82 năm.

Đồng krona Thụy Điển, từ năm 1873 đến năm 1931, ổn định 58 năm.

Đồng mác Đức, từ năm 1875 đến năm 1914, ổn định 39 năm.

Đồng lia Italy, từ năm 1883 đến năm 1914, ổn định 31 năm.

Mises đánh giá bản vị vàng là thành tựu cao nhất trong toàn bộ nền văn minh phương Tây ở thời đại hoàng kim của chủ nghĩa tư bản. Nếu không có một thước đo tiền tệ ổn định và hợp lý, sức sáng tạo của cải lớn mà nền văn minh phương Tây đã thể hiện ra trong giai đoạn phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản sẽ là một chuyện ngoài sức tưởng tượng.

Hệ thống giá cả ổn định cao hình thành trong quá trình tiến hóa tự nhiên của vàng và bạc trên thị trường có thể khiến cho các nhà hoạch định kinh tế "thiên tài" của thế kỷ XX phải xấu hổ đến toát mồ hôi hột. Vai trò tiền tệ của vàng và bạc được xem là sản phẩm của quá trình tiến hóa tự nhiên, là sản phẩm của nền kinh tế thị trường chân chính, là tiền tệ đáng tin cậy của loài người.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
Icon-Messager Messenger Icon-Tiktok Tiktok Lên đầu trang